Khi tôi tiếp xúc một cách trực tiếp với những biểu đạt ngôn ngữ rất Nhật, tôi nhận ra một điều là người Nhật rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết hơn tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Một minh chứng khá rõ về sự nhạy cảm đó được thể hiện qua câu mào đầu của những bức thư và bài phát biểu. Các câu mào đầu bao giờ cũng đề cập về thời tiết, tùy theo tháng mà lời mở đầu cũng thay đổi, ví dụ như tháng 1 thì có câu ” Trời đang trở nên rét đậm hơn…”, hay tháng 2 thì có ” Trong thời tiết lạnh lẽo này đã có chút le lói của sắc xuân…” Ai cũng hiểu rằng thời tiết cũng như khí hậu rất khóđột ngột thay đổi trong khoảnh khắc, nhưng tiếng Nhật có những từ ngữ diễn tả sự khác biệt dù chỉ là rất nhỏ của thời tiết dù chỉ là rất nhỏ như vậy.
Mặt khác, trong từ ngữ diễn tả hoa rụng, thì tiếng Việt dùng từ “rụng” cho tất cả mọi loại hoa nhưng người Nhật Bản không chỉ dùng từ “chiru” (rụng) mà họ có các từ phù hợp để miêu tả động thái đó theo từng loại hoa. Ví dụ như hoa anh đào thì là “Chiru”, hoa mơ là “Koboreru”, hoa trà là “Ochiru”, hoa mẫu đơn là “Kuzurer”, cây hoa đỏ Cercis là “Susufuri-otosu”, hoa mận là “Hadareru”… Trong tiếng Anh từ miêu tả mưa rơi chỉ có một từ là “rain” nhưng tiếng Nhật có đến 400 từ miêu tả cơn mưa. Ví dụ như “Aki-same” chỉ những cơn mưa mùa thu, “Mura-same” chỉ những cơn mưa to nặng hạt liên tiếp từng cơn hay “Kan-u” chỉ những cơn mưa vừa, giúp cho cây lá tốt tươi. Có lúc họ lại dùng “Namida Ame” để chỉ những cơn mưa não nề như nước mắt đau khổ của con người hay “Yarazu no Ame” để chỉ những cơn mưa nặng hạt như níu kéo bước chân của người ra đi.
Như vậy trong tiếng Nhật, từ ngữ miêu tả cơn mưa không chỉ thể hiện sự thay đổi của thời tiết hay trạng thái mưa rơi mà đôi khi nó còn được thay đổi theo cảm xúc của người miêu tả. Mặt khác những huện tượng mưa rơi còn giúp hình thành nhiều từ ngữ mới như “Ame Otoko” (người đàn ông hay mắc mưa) hay “Ameochi” ( chỗ ngồi cạnh sân khấu Kabuchi). Những từ ngữ diễn tả đặc trưng này rất khó hiểu đối với những người nước khác, đặc biệt là đối với những người đến từ vùng Âu Mĩ quanh năm khô ráo, không có sự biến đổi của bốn mùa. Có thể nói người dân Âu Mĩ hầu như không thể cảm nhận được sự thay đổi nhạy cảm của thời tiết và có lẽ họ cũng không cần thiết khi phải phân biệt sự khác nhau của mưa hay sự đặc biệt đến tinh tế của từng loài hoa. Sự nhạy cảm của người Nhật đối với sự thay đổi dù chỉ là rất nhỏ của thời tiết đã sinh ra những từ ngữ đặc trưng này, đó chính là sự phức tạp, sự khác biệt nhưng cũng là nét đẹp phong phú của tiếng Nhật.
Đoàn Lê Hải Ngọc
(Sinh viên năm 2, Bộ môn Quốc tế Nhật Bản, Khoa Quốc tế Nhật Bản, Trường Đại học Meiji)