Nhật Bản đang phải đối mặt với sự gia tăng không ngừng các trường hợp tử vong do làm việc quá sức (hay còn gọi là hiện tượng Karoshi)
Nhật đang đứng trong bối cảnh nhu cầu việc làm cao, cộng với luật lao động còn lỏng lẻo, do vậy một số doanh nghiệp lợi dụng điều đó và ép nhân viên làm việc ngoài giờ đôi khi dẫn đến những kết cục bi thảm.
Theo số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, số vụ karoshi tăng lên mức kỷ lục, 1.456 vụ từ tháng 3-2014 đến tháng 3-2015 tập trung ở các lĩnh vực như y tế, dịch vụ xã hội, xây dựng và vận chuyển. Đây là những ngành luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực ở đất nước mặt trời mọc này. Đáng chú ý hơn, số vụ tự tử của những người lao động dưới 29 tuổi đã tăng 45% trong 4 năm qua do làm việc quá sức. Đối với phụ nữ, tỉ lệ tăng là 39% đó là những con số đáng báo động.
Tuy nhiên, theo một luật sư chuyên thụ lý các vụ liên quan đến karoshi thì con số này trên thực tế còn cao hơn gấp 10 lần. Chính phủ Nhật cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về vấn đề này như tổ chức các hội nghị chuyên đề hoặc làm các áp phích. Tuy nhiên những hoạt động đó dường như là không hiệu quả. Vấn đề cần thiết ở đây là phải giảm giờ làm nhưng chính phủ hiện không đủ làm.
Bộ Lao động Nhật Bản đang công nhận 2 loại “karoshi”: thứ nhất là tử vong do bệnh tim mạch liên quan đến làm việc quá sức và thứ hai là tự tử vì những căng thẳng liên quan đến công việc. Trường hợp chết vì đau tim có thể được xem là karoshi nếu người lao động làm thêm 100 giờ trong tháng trước khi gặp chuyện hoặc làm thêm 80 giờ trong ít nhất 2 tháng liên tiếp trong giai đoạn 6 tháng trước khi qua đời. Một vụ tự tử được cho là có liên quan đến karoshi nếu nó xảy ra sau khi người tự sát làm ít nhất 160 giờ trong 1 tháng hoặc làm thêm ít nhất 100 giờ trong 3 tháng liên tục.
Vấn đề càng thêm cấp thiết khi lực lượng lao động Nhật Bản được chia thành 2 loại: nhân viên thường xuyên và nhân viên thời vụ – thường là phụ nữ và người trẻ. Các chuyên gia cho hay một số công ty tuyển dụng nhân viên cho công việc toàn thời gian nhưng sau đó lại đề nghị họ làm công việc thời vụ, thỉnh thoảng tăng ca mà không trả thêm lương.
Các nhà tuyển dụng cũng tìm cách thuyết phục người lao động rằng họ sẽ được làm việc toàn thời gian sau ít nhất 6 tháng làm việc thời vụ. Người trẻ tuổi thường chấp nhận loại công việc này do thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, nhiều phụ nữ không quá kén chọn vì muốn đi làm trở lại sau khi sinh.
Nguồn:nld