Hoạt động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập lớn khi nhận thức của người lao động chưa được nâng cao, song hành với nó là tình trạng lao động tự ý bỏ hợp đồng để cư trú làm việc bất hợp pháp. Đây là một vấn đề rất nhức nhối, có thể nói đáng báo động nhất hiện nay.
Vấn đề này đã và đang làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lao động chính thống của nước nhà. Thực tế đã có rất nhiều rủi ro xảy ra với lao động nhưng vì lợi ích trước mắt họ vẫn bất chấp.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba Việt Nam sau Đài Loan và Nhật Bản, lao động làm việc tại đây có mức thu nhập 1000USD trở lên. Thế nhưng từ năm 2012, Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt do có quá nhiều người bỏ hợp đồng, hoặc hết hợp đồng mà không về nước. Đến nay thị trường này mới tiếp nhận lại lao động với mức lớn hơn.
Tại Nhật Bản theo Bộ LĐTB-XH năm 2016 Việt Nam có khoảng 40.000 thực tập sinh sang nước này vừa học vừa làm. Tuy vậy theo thống kê có khoảng 4,5% lao động bỏ trốn trên tổng số lao động được đưa sang. Nhiều nguy hiểm rình rập, phải làm đủ thứ việc từ bốc vác cho đến xây dựng, cơ khí… Dù sống chui lủi, khổ nhục nhưng những lao động này vẫn cố bám trụ.
Đài Loan là thị trường dẫn đầu tiếp nhân lao động Việt Nam, mỗi năm có hơn 100.000 lao động làm việc tại đây. Thế mà trung bình mỗi tháng lại có khoảng 550 lao động bỏ trốn. Phía cơ quan quản lý lao động Đài Loan cảnh báo nếu tình trạng này không giảm thì họ sẽ thay thế bằng lao động nước khác. Do đó chấn chỉnh thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan đang là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay.
Khi bỏ trốn ra ngoài làm việc, thân phận lúc này của lao động thực sự rất bấp bênh. Khám chữa bệnh, ốm đau, tai nạn đều phải tự bỏ tiền túi ra chi trả, mà hầu hết đều không dám đi bệnh viện khám. Các quyền lợi cơ bản không được hưởng, bị ngó lơ là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí khi bị bắt còn bị phạt một số tiền lớn, bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh.
Thực tế Bộ LĐ đã đưa ra một số giải pháp nhưng vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể:
Thứ nhất: Vận động, tuyên truyền các gia đình có người nhà đang làm việc ở nước ngoài phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng và các quy định của Chính phủ Việt Nam và của các nước tiếp nhận.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng cũng như trách nhiệm ràng buộc của người lao động. Nâng cao ý thức chấp hành quy định khi đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ ba: Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là phải tìm ra thêm biện pháp khác vì nếu chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động hoặc kí quỹ thì chưa có tính răn đe. Về phía người lao động nếu đã và đang có ý định đi làm việc ở nước ngoài thì nên tập trung làm việc, chấp hành tốt quy định của nhà máy, pháp luật nước sở tại. Cố gắng làm việc để không phải hối tiếc, rồi các bạn sẽ thành công!