Năm 2015 được đánh giá là một năm tương đối thuận lợi cho công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam tại một số thị trường trong năm qua tăng cao, đặc biệt là thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà ta có khả năng đáp ứng và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản….tạo ra nhiều cơ hội và lựa chọn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong khi đó, ở trong nước, hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Trong năm vừa qua, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tập trung rà soát và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, giảm chi phí cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn lao động và tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài.
Về phía Doanh nghiệp, thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp đều chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường lao động. Các Doanh nghiệp dịch vụ cũng đã coi trọng công tác tuyển chọn, quản lý, bảo vệ người lao động ở nước ngoài.
Với những điều kiện thuận lợi nêu trên, năm 2015, công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả tương đối ấn tượng trên nhiều phương diện
Về số lượng: Theo số liệu thống kê, năm 2015, cả nước có 115980 lao động đi làm việc ở nước ngoài , vượt chỉ tiêu 122%. Trong đó 2 thị trường Đài Loan và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường có tỷ trọng lớn nhất (Đài Loan: 67121 lao động tương đương 57,87%; Nhật Bản: 27010 lao động tương đương 23,23%)
Về phát triển thị trường lao động ngoài nước: Chúng ta tiếp tục giữ vững và tăng thị phần tại các thị trường trọng điểm hiện có như Đài Loan, Nhật Bản. Trong đó tiêu biểu chúng ta phải kể đến việc tổ chức thành công Hội nghị lao động Việt Nam- Đài Loan lần thứ 4.
Bên cạnh đó, năm 2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để đảm bảo công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện hiệu quả.
Cuối cùng là vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được Cục Quản lý lao động nước ngoài quan tâm, chú trọng. Trong thời gian qua, Cục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động từ công tác phòng ngừa rủi ro xảy ra tới việc xử lý, giải quyết dứt điểm khi phát sinh vụ việc.
(Tổng hợp)