Mục tiêu của phần lớn các bạn du học sinh sang Nhật là được học tập và làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Khi bạn đã có trong tay đủ bằng chuyên môn và chứng chỉ tiếng bạn có thể xin chuyển diện visa sang kỹ thuật viên hoặc kỹ sư được rồi.
Có nhiều bạn du học sinh, trước khi đi du học Nhật Bản đã hoàn thành bằng chuyên môn ở Việt Nam rồi do vậy sau khi hoàn thành chương trình tiếng ở Nhật các bạn đã làm thủ tục chuyển diện visa luôn. Tất nhiên, những bạn chưa có chuyên môn hay chuyên môn chưa phù hợp thì chắc chắn bạn phải học ngay sau khi hoàn thành khoá học trường tiếng. Việc học chuyên môn ở Nhật cũng có những bậc học từ: Trung cấp, Cao đẳng, Đại học.
Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cơ bản về quy trình thủ tục chuyển visa sang kỹ thuật viên và kỹ sư. Có thể bạn cho rằng nó quá dễ, nhưng không ít người làm việc này rất khó và thậm chí còn không được.
1/ Đối tượng:
Những bạn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học các ngành tự nhiên (tin học, cơ khí, điện tử v.v…) và “lỡ “ đi du học nhưng hiện nay vì lý do gì đó mà muốn nghỉ học để đi làm.
2/ Trình tự:
Tìm công ty > Phỏng vấn > làm hồ sơ trình cục xnc > nộp hồ sơ lên cục xnc > chờ kết quả> có kết quả
3/ Chi phí:
Nếu bạn tự làm thì chi phí không đáng kể. Nếu qua công ty thì Tùy theo trình độ tiếng Nhật cũng như trình độ chuyên môn của bạn mà chi phí sẽ khác nhau.
4/ Hồ sơ thông thường:
a/ Đơn xin chứng nhận tư cách lưu trú ( Tiếng Nhật là 在留資格認定証明書交付申請書 Tiếng Anh là : Application for certificate of eligibility). Lưu ý không nhầm với giấy xin gia hạn tư cách lưu trú tiếng Nhật là 在留資格期間更新許可申請書(application for extension of period of stay)
b/Sơ yếu lý lịch
c/ Bằng đại học và bảng điểm (bao gồm cả bản dịch)
5/ Một số lưu ý:
+ Không sử dụng giấy tờ, bằng cấp, thông tin giả
+ Phải lấy được bản sao hồ sơ (đơn xin tư cách lưu trú, sơ yếu lý lịch, bảng điểm, bằng đại học v.v..) mà trường tiếng Nhật đã nộp cho cục quản lý xuất nhập cảnh.
+ Có tinh thần trách nhiệm và không bỏ cuộc giữa chừng.
+ Có thể tự mang hồ sơ lên cục quản lý xuất nhập cảnh để nộp.
6/ Một số lời khuyên hữu ích:
+ Thứ nhất: Liệu có thể xin nghỉ học để chuyển tư cách lưu trú qua đi làm không?
Theo lý thuyết, nếu bạn đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng tại Việt Nam thì bạn có quyền xin cục quản lý xuất nhập cảnh cấp tư cách lưu trú “kỹ thuật viên Nhật Bản”, rồi xin nghỉ học để chuyển hẳn qua đi làm.
+ Thứ hai: Có những cách nào để xin chuyển từ du học qua “kỹ thuật viên”?
Cách duy nhất để thực hiện sự chuyển đổi này là tìm một công ty đồng ý nhận bạn vào làm, việc tìm công ty thì bạn có thể tự tìm hoặc nhờ thông qua người quen. Bên cạnh đó việc liên lạc với các công ty tư vấn xuất khẩu lao động họ sẽ giúp bạn tìm công ty và làm thủ tục cho bạn. Hiện nay có rất nhiều công ty đứng ra làm việc này nhưng cần lựa chọn kỹ càng trước khi quyết định kẻo gặp rắc rối về sau.
+Thứ ba: Làm sao để giảm tối thiểu rủi ro?
Cách ít rủi ro nhất đó là tiến hành kết hợp cả 2, tức là bạn vẫn đóng học phí và đi học bình thường, nhưng cũng tiến hành xin chuyển chuyển tư cách lưu trú từ du học qua kỹ thuật viên. Khi nào mọi giấy tờ, thủ tục OK rồi thì mới xin nghỉ học. Nếu như bạn vội vàng xin nghỉ sớm mà gặp rủi ro không được cấp phép đi làm thì buộc phải về nước vì nhà trường cũng sẽ không nhận lại bạn nữa.
+ Thứ tư: Nhà trường có thể làm khó dễ khi học sinh xin nghỉ học để đi làm?
Thực tế thì không trường nào thích việc học sinh nghỉ học để đi làm bởi lẽ bạn nghỉ học trường sẽ mất nguồn thu và chắc chắn có không ít trường sẽ gây khó dễ. Thông thường nhà trường họ sẽ không cấp giấy tờ cá nhân mà học sinh đã nộp lên khi làm thủ tục du học.
Thực tế thì họ không thể can thiệp để Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh xóa tư cách lưu trú của học sinh sau khi họ xin và được cấp hợp pháp. Vấn đề giấy tờ, hồ sơ cũng vậy, khi bạn đã yêu cầu nhà trường có nghĩa vụ phải cung cấp.
+ Thứ năm: Nếu bạn có ý định đi du học nhưng muốn nghỉ học giữa chừng để đi làm cần lưu ý những gì?
Điều quan trọng nhất đó là khi khai hồ sơ phải rõ ràng phần đã tốt nghiệp đại học hay cao đẳng ở Việt Nam trước khi đi du học. Thứ 2 là nên lưu lại tất cả hồ sơ đã nộp cho trường khi xin giấy chứng nhận tư cách lưu trú, cuối cùng là bạn cần làm sẵn bản sao có dịch thuật và công chứng các giấy tờ như bảng điểm, bằng tốt nghiệp đại học (cao đẳng), các chứng chỉ khác (nếu có).