Những điều được và mất khi du học Nhật Bản

Những điều tôi được (tôi sẽ không bàn đến kiến thức tôi đã được học trong trường):

  1. Khả năng ngôn ngữ.

Khỏi bàn rồi. Bị ném xuống sông không biết bơi mới lạ. Bị đặt vào hoàn cảnh không có ngôn ngữ không sống được, tôi phải tự cố gắng rồi.

  1. Dễ thân với người nước ngoài. Và có bạn ở nhiều nước sau này tha hồ du lịch hoặc dắt mối làm ăn.

Nếu như trước khi ra nước ngoài tôi “sợ” người nước ngoài bao nhiêu thì nay tôi dễ thân với các bạn ấy bấy nhiêu.

  1. Có được “phong thái” của người Nhật

Đơn cử như cách suy nghĩ, kiểu nói đùa, cách cư xử trong các tình huống… Sếp Nhật trong các công ty Nhật ở Việt Nam rất nhiều, nhưng nếu họ cảm thấy bạn “không giống” họ, bạn không có “phong thái” Nhật thì họ khó cất nhắc bạn lên vị trí cao trong công ty.

  1. Một môi trường mới – một khởi đầu mới, để thay đổi mình thành một người tốt hơn.

Nếu như trước đây bạn bè bạn nghĩ bạn là một người nhút nhát và khó gần, mà thực ra bạn không phải thế? Ra nước ngoài, không có bạn bè, không mối quan hệ. Nói theo chiều hướng xấu, bạn mất tất cả. Nói theo chiều hướng tốt, bạn có một cơ hội có một không hai để ấn nút reset trở về một khởi đầu mới mẻ để khẳng định mình. Bạn sẽ trở thành một con người mới – tốt hơn.

  1. Được sống giữa manga, anime và thời trang.

Nếu bạn yêu manga, anime và thời trang như tôi thì tôi chắc bạn sẽ thấy rất vui khi đi đến Akihabara vào những cửa hàng dành cho otaku, đi ngoài đường và thấy dân tình cosplay ầm ĩ nhảy nhót làm trò, hoặc khi đi giữa đường phố mà như sàn diễn thời trang.

Những điều tôi mất khi đến Nhật.

  1. Tuổi thanh xuân, tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, tôi trải qua trên một đất nước khác.

Do vậy tôi không có khái niệm gì về những điều đang diễn ra trên đất mẹ. Tôi không biết ngôn ngữ 9x, không đi trà đá vỉa hè hay ăn chân gà nướng đêm. Tôi nhiều lúc lệch kênh với những người trẻ tuổi của chính đất nước mình.

  1. Cô độc.

Người Nhật có những cái xấu riêng của họ. Và dĩ nhiên tôi cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của những cái xấu đó. Ví dụ, người Nhật thích độc lập, con cái không nhận tiền gia đình đi học đại học, việc gì làm được một mình thì nhất quyết không đi nhờ người khác. Cũng tốt. Nhưng họ cứ lảng tránh những việc làm phiền người khác, đến 1 lúc nhìn lại không thấy ai ở bên cạnh mình cả. Tôi, có rất nhiều lúc cảm thấy cô độc trên đất Nhật.

  1. Xa gia đình.

Có nghĩa là khi ốm sẽ không có mẹ chăm sóc (có bạn nhưng bọn nó cũng bận nhiều việc của nó). Có nghĩa là khi xảy ra việc như tai nạn ô tô sẽ không có bố để cho lời khuyên nên giải quyết thế nào – dù gọi điện được thì bố cũng không biết ở Nhật họ xử lý thế nào. Tôi đã nhớ nhà.

  1. Mai một bản xứ.

Đồng thời với việc hấp thu một nền văn hóa mới, một ngôn ngữ mới, một cách sống mới, tôi bị mai một đi nền văn hóa bản xứ, tiếng Việt và cách sống của người Việt – bộ nhớ con người có hạn mà. Có khi tôi không cố tình, nhưng lỡ mồm nói chêm vào 1 từ tiếng Nhật, tôi bị bạn người Việt nhìn với ánh mắt khó chịu. Có khi tôi cảm thấy bị tổn thương với một câu nói đùa của người Việt – câu mà trước đây ở Việt Nam tôi thấy rất bình thường. Có khi tôi không thấy những trò chơi của các bạn người Việt vui nữa. Có khi tôi cảm thấy rất khó mở miệng nhờ vả một việc mà nếu ở Việt Nam tôi nói dễ dàng – vì ảnh hưởng cái văn hóa “không làm phiền người khác” của Nhật. Tất cả những điều trên sẽ chống lại tôi một khi tôi về nước và cố gắng hòa nhập vào cuộc sống Việt.

==============================================================

 

Hôm đi phỏng vấn xin việc, người phỏng vấn có hỏi tôi một câu: “Nếu được quay trở lại quá khứ, anh sẽ trở về lúc mấy tuổi?”. Tôi đã trả lời:“Tôi sẽ không trở về. Cuộc đời tôi đã có những thất bại, nhưng nhờ những thất bại đó mà kết quả cuối cùng tôi đang ở trên nước Nhật. Cuộc sống ở Nhật có những điều không vui, những điều căng thẳng, nhưng nhờ đó mà tôi đã trở thành người mạnh mẽ hơn. Tôi hoàn toàn không hối hận với những quyết định từ trước đến nay”.

Nhất là quyết định đến Nhật.

Những bạn đang băn khoăn lựa chọn giữa việc học ở Việt Nam và đi du học Nhật, hoặc một nước nào khác, hãy quyết định đu học đi. Đó là một thử thách rất lớn, nhưng cũng là một cơ hội rất lớn đang chờ bạn. Sống trong địa ngục hoặc sống trong thiên đường, tất cả là do bạn lựa chọn!

Hãy cùng chia sẻ về kinh nghiệm và quá trình bạn đã từng đi du học ở bất cứ nước nào trên Thế Giới để chúng ta cùng cảm nhận những gì chúng ta có và mất trong hành trình đầy khó khăn và chông gai nhưng cũng đầy những trái ngọt, những điều mà chúng ta cảm thấy tự hào nhất nhé.

 

Thế Anh – Theo kênh 14

Rate this post